Sản phẩm nước mắm sản xuất theo phương thức truyền thống, vốn được xem là một trong những tinh tuý của văn hoá ẩm thực Việt Nam đang mất dần vị thế trên thị trường. Vì sao lại có nghịch lý này?
Vắng lặng, hoang tàn, đóng cửa hoặc rao bán lều sản xuất nước mắm hàng loạt là những gì nhóm phóng viên VTV đã chứng kiến tại khu tiểu thủ công nghiệp chuyên sản xuất nước mắm vốn dĩ nổi tiếng một thời của TP Phan Thiết. Được biết, hơn 70% cơ sở tại đây đã bị phá sản trước cơn lốc của nước mắm công nghiệp. Một trong những địa điểm may mắn còn trụ lại được với nghề là cơ sở Thuận Hưng.
Ông chủ cơ sở sản xuất nước mắm này chia sẻ, trước những khó khăn về thị trường, thiếu nguyên liệu, thiếu vốn đầu tư nên phần lớn các cơ sở nhỏ lẻ ở đây đã nhận lời cung ứng nguyên liệu nước mắm cho các doanh nghiệp FDI.
 
Ảnh minh hoạ
Mua với số lượng lớn, tiền giao ngay là nguyên nhân dẫn đến việc phá vỡ hợp đồng cung ứng giữa các cơ sở trong khu tiểu thủ công nghiệp này và cả ở nhiều làng nghề nước mắm khác, với các doanh nghiệp Việt phân phối nước mắm trong nước.
Ông Nguyễn Thành Phụng - cơ sở sản xuất nước mắm Thuận Hưng cho hay: “Chúng tôi bây giờ chủ yếu cung cấp nguyên liệu, sau đó họ pha chế kiểu gì cũng không hau biết. Như vậy, cũng thiệt thòi cho nhà sản xuất vì sẽ bị họ ép giá, nhưng rẻ cũng phải bán nếu không lại phải đóng cửa hàng loạt”.
Theo Hiệp hội nước mắm Nha Trang, một lít nước mắm truyền thống 30 độ đạm có giá gần 40.000 đồng có thể được các nhà thu mua về pha thành 5 lít nước mắm theo kiểu công nghiệp với giá bán ra chỉ khoảng 20.000 đồng/lít. Chưa bàn đến chất lượng, nhưng ở đây có thể thấy rõ về mặt cạnh tranh giá cả giữa hai loại nước mắm này. Chênh lệch từ 10-50% về giá khiến thị trường nước mắm đang dần nằm gọn trong tay các doanh nghiệp FDI.
Còn theo một thống kê khác cũng cho thấy, hiện nay trong tổng số tiêu thụ 200 triệu lít/năm, trong đó quy mô thị trường nước mắm công nghiệp đã lên gần 150 triệu lít/năm. Chiếc bánh thị phần còn bị chia nhỏ ngay cả trong những gian hàng trong hệ thống các siêu thị. Quầy dành cho nước mắm công nghiệp luôn chiếm vị thế áp đảo. Thế mạnh về đầu tư truyền thông quảng cáo, mẫu mã đẹp mắt, màu sắc hấp dẫn… nước mắm công nghiệp cũng đã nhanh chóng lấy được cảm tình của người tiêu dùng. 
Sự thua thiệt của nước mắm truyền thống còn nằm ở chỗ về xây dựng chiến lược kinh doanh. Trong khi các sản phẩm nước mắm sản xuất theo phương thức công nghiệp được quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng từ 20% cho nhãn hàng cũ và 50% cho nhãn hàng mới, thì các sản phẩm truyền thống kể cả những sản phẩm đã có thương hiệu tổng đầu tư cho quảng cáo tiếp thị luôn dưới 5%/doanh thu, có nơi chỉ chừng 1% vì không mạnh về vốn”, ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM nói.
Chiến lược kinh doanh yếu, cơ sở vật chất kỹ thuật còn hạn chế, vốn để mở rộng phân phối, đầu tư truyền thông hầu như không có... là thực tế đang đẩy ngành nước mắm truyền thống trong nước khó càng khó hơn.
Ngoài nỗi lo về mất cần câu cơm của nhiều người lao động, cái sợ lớn hơn của những người đã bao đời gắn bó với nghề làm nước mắm chính là sự sinh tồn của các làng nghề chuyên sản xuất ra những sản phẩm tinh tuý từ biển cả sẽ khó mà tồn tại bền vững vì nó vẫn còn thiếu hoặc chưa nhận được những cú hích về chính sách phát triển đối với ngành nghề truyền thống này.
Duy Ly