Nước mắm Phan Thiết “thua” trên sân nhà, “yếu” dần sân khách?
Dù nước mắm Phan Thiết là một trong những sản phẩm lợi thế của tỉnh, nhưng trên thực tế chính người dân Phan Thiết lại ít sử dụng nước mắm do quê hương mình sản xuất…
Nam Ngư chiếm lĩnh thị trường
Một thực tế phải nhìn nhận, hiện nay dân Bình Thuận ít khi mua nước mắm Phan Thiết về dùng, dù Phan Thiết chính là xứ sở của nhiều thương hiệu nước mắm nổi tiếng vốn đã có từ rất lâu. Qua khảo sát của chúng tôi tại quầy hàng nước mắm của siêu thị Co.op Mart Phan Thiết, phần lớn các bà nội trợ luôn chọn lựa sử dụng các loại nước mắm như: Chin su, Nam Ngư, Đệ Nhị… mà ít chọn mua các thương hiệu nước mắm của Phan Thiết. Một khách hàng ở siêu thị nhận xét, nước mắm Nam Ngư hay Đệ Nhị… có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt, mặn vừa phải khi dùng rất hợp khẩu vị, giá cả cũng vừa túi tiền nên không riêng gì tôi mà nhiều người khác cũng rất thích nước mắm Nam Ngư”. Đó là lý do khiến các sản phẩm nước mắm Nam Ngư, Đệ Nhị, Chinsu đang tràn ngập khắp các cửa hàng, chợ, siêu thị ở thành phố Phan Thiết. Dễ thấy rằng, sở dĩ các thương hiệu nước mắm từ TPHCM bán rất chạy trên địa bàn tỉnh ta, một phần là nhờ vào chiến dịch quảng cáo, marketting rất chuyên nghiệp của các “đại gia” nước mắm. Các “đại gia” này (Chinsufood, Masan…) đã áp dụng chiến lược quảng cáo liên tục trên các phương tiện truyền thông, khiến người tiêu dùng luôn được nghe, nhìn thấy sản phẩm nước mắm hàng ngày với các kịch bản quảng cáo mới, lạ, bắt mắt. Ông N.H.B, từng là chủ một cơ sở nước mắm nổi tiếng ở Phan Thiết nhìn nhận rằng, không chỉ riêng người tiêu dùng ở tỉnh ta ưa chuộng các loại nước mắm của tập đoàn Masan, Chinsu, mà các tập đoàn này cũng đã chiếm lĩnh được thị phần ở tất cả các địa phương khác trong cả nước, nhất là khu vực miền Bắc. Ông B còn tiết lộ thêm, do tiêu thụ được lượng lớn sản phẩm mà các tập đoàn Chinsufood, Masan đã đổ về những nơi có truyền thống làm nước mắm như: Phan Thiết, Phú Quốc, Bình Định, Khánh Hòa… mua nước mắm nguyên liệu, sau đó tái sản xuất, lại theo công thức riêng, rồi lại tung ra thị trường dưới thương hiệu của các tập đoàn này.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Tiến - Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết cho biết, hiện tại Hiệp hội nước mắm có 33 thành viên (chưa kể gần 100 cơ sở sản xuất nước mắm nhỏ lẻ trên địa bàn Phan Thiết), nhưng hầu như các cơ sở sản xuất nước mắm ở Phan Thiết chủ yếu tiêu thụ nước mắm ở các tỉnh, thành khác, còn lượng nước mắm tiêu thụ trong tỉnh luôn rất khiêm tốn. Ngoại trừ một số doanh nghiệp, cơ sở nước mắm lớn, uy tín có thể tiêu thụ nước mắm dưới nhiều hình thức, còn lại những cơ sở khác chủ yếu bán mắm xá (bán nguyên liệu hoặc bán sỉ trong các thùng lớn) cho một số nơi nên doanh thu thường không cao. Cũng theo ông Tiến, trước đây nước mắm Phan Thiết tiêu thụ chủ lực ở khu vực miền Bắc nhưng dạo gần đây các tập đoàn nước mắm từ Tp. HCM đã bắt đầu “tấn công” ra Bắc, nên sức tiêu thụ của các cơ sở nước mắm ở Phan Thiết đã phần nào yếu dần. Chính vì vậy, một số cơ sở nước mắm ở Phan Thiết không cầm cự nổi đã và đang phải đứng trước nguy cơ “treo” lều.
Bỏ quên “sân nhà”?
Dù vậy, nhiều người dân Phan Thiết vẫn tin tưởng chọn mua các loại nước mắm Phan Thiết có thương hiệu để làm quà tặng người thân hoặc bạn bè ở xa. Tại một cửa hàng nước mắm trên đường Thủ Khoa Huân (Phan Thiết), Anh Nguyễn Minh Trung đang đắn đo chọn loại nước mắm có hàm lượng đạm thích hợp để làm quà biếu. Anh Trung cho biết: “Khi chọn mua nước mắm tặng người quen tôi luôn chọn nước mắm Phan Thiết. Tuy nhiên, loại nước mắm do cơ sở nào ở Phan Thiết sản xuất, đảm bảo uy tín và có độ đạm bao nhiêu cho phù hợp với khẩu vị từng người cũng phải mất thêm một công đoạn lựa chọn nữa”. Đại diện Công ty cổ phần Nước mắm Phan Thiết (Fishaco) cho rằng, nếu quy kết cho các cơ sở nước mắm ở Phan Thiết mãi lo tìm kiếm thị trường ở các địa phương khác mà bỏ quên “sân nhà” cũng rất khó. Bởi, hiện tại công ty đã có hơn 100 cửa hàng, đại lý trong tỉnh đang bán các sản phẩm nước mắm của Fishaco. Tuy nhiên, cái khó của Fishaco nói riêng và các cơ sở nước mắm ở Phan Thiết nói chung là thiếu kinh phí để thực hiện các chiến dịch quảng bá, tuyên truyền rầm rộ như các tập đoàn nước mắm vốn có tài lực mạnh Chinsu, Masan… Chính vì vậy, bước đầu công ty chỉ có thể tập trung hướng đến việc nâng cao chất lượng nước mắm, cải thiện mẫu mã bao bì và quan tâm các chế độ khuyến mãi, hậu mãi… để tạo niềm tin, chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng, cạnh tranh với các thương hiệu nước mắm khác…
Cũng theo đại diện của Fishaco, đối với sản phẩm nước mắm người tiêu dùng nên sử dụng các loại nước mắm có thương hiệu rõ ràng, uy tín, trung thực, do nước mắm là món ăn hàng ngày của mọi người. Đặc biệt khi đánh giá chất lượng nước mắm phải căn cứ vào độ đạm (hàm lượng ni tơ toàn phần). Bởi việc sử dụng nước mắm ngoài ý nghĩa gia vị, cộng thêm các yếu tố về mùi, vị… mà chủ yếu là ăn đạm amin có trong nước mắm.
Theo Báo Bình Thuận
giàn tạ đa năng ProGym 2017
Trả lờiXóa